TƯ VẤN PHÁP LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

GPKD

Tư vấn pháp luật thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu đánh trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, tiêu dùng tại Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài). Doanh nghiệp phải xác định được hàng hóa , dịch vụ của mình thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và đối tượng chịu thuế GTGT; căn cứ và thời điểm tính thuế GTGT.

Doanh nghiệp có thể tham khảo một số văn bản pháp quy liên quan đến thuế giá trị gia tăng như: Luật thuế GTGT 13/2008/QH12; Thông tư 219/2013/TT-BTC; Thông tư 119/2014/TT-BTC; Thông tư 151/2014/TT-BTC; Thông tư 26/2015/TT-BTC…

Đối tượng không chịu thuế GTGT:

Theo Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (được sửa đổi bởi Thông tư 151/2014/TT-BTC và Thông tư 26/2015/TT-BTC) thì có 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, cụ thể:

  • Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
  • Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, cành giống, củ giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại.
  • Tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
  • Sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt mà thành phần chính là Na-tri-clo-rua (NaCl).
  • Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê.
  • Chuyển quyền sử dụng đất.
  • Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm người học, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thủy sản; tái bảo hiểm.
  • Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán sau đây:

Dịch vụ cấp tín dụng gồm các hình thức:

  • Cho vay;
  • Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác;
  • Bảo lãnh ngân hàng;
  • Cho thuê tài chính;
  • Phát hành thẻ tín dụng;
  • Bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế đối với các ngân hàng được phép thực hiện thanh toán quốc tế;
  • Bán tài sản bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng hoặc do cơ quan thi hành án hoặc bên đi vay vốn tự bán tài sản bảo đảm theo ủy quyền của bên cho vay để trả nợ khoản vay có bảo đảm;
  • Dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng do đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng nhà nước cung cấp cho các tổ chức tín dụng để sử dụng trong hoạt động cấp tín dụng theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước;
  • Hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật.

Hoạt động cho vay riêng lẻ, không phải hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng.

Kinh doanh chứng khoán bao gồm:

  • Môi giới chứng khoán,
  • Tự doanh chứng khoán,
  • Bảo lãnh phát hành chứng khoán,
  • Tư Vấn Đầu Tư chứng khoán,
  • Lưu ký chứng khoán,
  • Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán,
  • Quản lý công ty đầu tư chứng khoán,
  • Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán,
  • Dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán,
  • Dịch vụ liên quan đến chứng khoán đăng ký,
  • Lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam,
  • Cho khách hàng vay tiền để thực hiện giao dịch ký quỹ,
  • Ứng trước tiền bán chứng khoán và hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Chuyển nhượng vốn bao gồm việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào tổ chức kinh tế khác (không phân biệt có thành lập hay không thành lập pháp nhân mới), chuyển nhượng chứng khoán..

Bán nợ;

Kinh doanh ngoại tệ;

Dịch vụ tài chính phái sinh bao gồm: hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; các dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật;

Bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

  • Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi, dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch, dịch vụ điều dưỡng sức khỏe, phục hồi chức năng cho người bệnh, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật; vận chuyển người bệnh, dịch vụ cho thuê phòng bệnh, giường bệnh của các cơ sở y tế; xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh.
  • Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật bao gồm cả chăm sóc về y tế, dinh dưỡng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật.
  • Dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ bưu chính, viễn thông từ nước ngoài vào Việt Nam (chiều đến).
  • Dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; dịch vụ tang lễ
  • Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân (bao gồm cả vốn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân), vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội.
  • Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.
  • Phát sóng truyền thanh, truyền hình bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
  • Xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học – kỹ thuật, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số và tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động, kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử; tiền, in tiền.
  • Vận chuyển hành khách công cộng gồm vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện (bao gồm cả tàu điện) theo các tuyến trong nội tỉnh, trong đô thị và các tuyến lân cận ngoại tỉnh theo quy định của pháp luật về giao thông.
  • Hàng hóa thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu trong các trường hợp sau:
  • Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ;
  • Máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí đốt;
  • Tàu bay (bao gồm cả động cơ tàu bay), dàn khoan, tàu thủy thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho thuê lại.
  • Vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.
  • Hàng nhập khẩu và hàng hóa, dịch vụ bán cho các tổ chức, cá nhân để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.
  • Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài.
  • Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ.
  • Vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng và các loại vàng chưa được chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức hay sản phẩm khác.
  • Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc đã chế biến thành sản phẩm khác nhưng tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản.
  • Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh, bao gồm cả sản phẩm là bộ phận cấy ghép lâu dài trong cơ thể người; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật.
  • Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
  • Các hàng hóa, dịch vụ sau:
  • Hàng hóa bán miễn thuế ở các cửa hàng bán hàng miễn thuế theo quy định của Thủ    tướng Chính phủ.
  • Hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra.
  • Các hoạt động có thu phí, lệ phí của Nhà nước theo pháp luật về phí và lệ phí.
  • Rà phá bom mìn, vật nổ do các đơn vị quốc phòng thực hiện đối với các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Đối tượng chịu thuế GTGT:

Thuế suất 0%:

Căn cứ Nghị định số: 209/2013/NĐ-CP; Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013; Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015nhóm đối tượng chịu thuế suất 0% bao gồm:

  • Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu;
  • Vận tải quốc tế;
  • Các hàng hóa, dịch vụ khác như:
  • Hoạt động xây dựng, xây lắp công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan.
  • Dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung cấp trực tiếp cho tổ chức ở nước ngoài hoặc thông qua đại lý.
  • Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu khác (Trừ các đối tượng không áp dụng mức thuế suất 0% được quy định tại khoản 5, Điều 1, Thông tư 26/2015/TT-BTC)

Thuế suất 5%:

Theo Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số mặt hàng theo Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC) gồm 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5%. Cụ thể:

  • Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt (không bao gồm các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác áp dụng thuế suất 10%)
  • Quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng.
  • Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp (trừ nạo, vét kênh mương nội đồng).
  • Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản (hình thức sơ chế, bảo quản như: làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh) ở khâu kinh doanh thương mại, trừ doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (theo khoản 5 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC).
  • Mủ cao su sơ chế như mủ cờ rếp, mủ tờ, mủ bún, mủ cốm; nhựa thông sơ chế; lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá bao gồm các loại lưới đánh cá, các loại sợi, dây giềng loại chuyên dùng để đan lưới đánh cá không phân biệt nguyên liệu sản xuất.
  • Thực phẩm tươi sống ở khâu kinh doanh thương mại; lâm sản chưa qua chế biến ở khâu kinh doanh thương mại, trừ gỗ, măng và các sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
  • Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn.
  • Sản phẩm bằng đay, cói, tre, song, mây, trúc, chít, nứa, luồng, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các sản phẩm thủ công khác sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp là các loại sản phẩm được sản xuất, chế biến từ nguyên liệu chính là đay, cói, tre, song, mây, trúc, chít, nứa, luồng, lá như: thảm đay, sợi đay, bao đay, thảm sơ dừa, chiếu sản xuất bằng đay, cói; chổi chít, dây thừng, dây buộc làm bằng tre nứa, xơ dừa; rèm, mành bằng tre, trúc, nứa, chổi tre, nón lá; đũa tre, đũa luồng; bông sơ chế; giấy in báo.
  • Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế.
  • Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập
  • Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim.
  • Đồ chơi cho trẻ em; Sách các loại, trừ sách không chịu thuế Giá trị gia tăng hướng dẫn tại khoản 15 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC
  • Dịch vụ khoa học và công nghệ.
  • Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở. Nhà ở xã hội là nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và đáp ứng các tiêu chí về nhà ở, về giá bán nhà, về giá cho thuê, về giá cho thuê mua, về đối tượng, điều kiện được mua, được thuê, được thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Thuế suất 10%: áp dụng với hàng hóa, dịch vụ còn lại không thuộc 2 nhóm trên

Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng

Theo quy định Nghị định 209/2013/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) có hiệu lực ngày 01/01/2014 và Thông tư 219/2013/TT-BTC về hướng dẫn chi tiết một số điều của luật thuế giá trị tăng, thì các doanh nghiệp thực hiện nộp thuế thuế Giá trị gia tăng theo hai phương pháp: khấu trừ thuế hoặc trực tiếp trên giá trị gia tăng.

Đối với các doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:

Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Đối với các doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp:

Thuế GTGT phải nộp = Doanh thu x Tỷ lệ %

Trong đó, tỷ lệ % được quy định như sau:

  • Phân phối và cung cấp hàng hóa: 1%;
  • Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;
  • Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;
  • Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

Thời hạn kê khai, nộp thuế GTGT:

  • Doanh nghiệp kê khai theo tháng: Ngày thứ 20 của tháng tiếp theo;
  • Doanh nghiệp kê khai theo quý: Ngày thứ 30 của quý tiếp theo;
  • Hạn nộp thuế GTGT trùng với hạn nộp tờ khai thuế GTGT.

Hồ sơ khai thuế:

  • Theo phương pháp khấu trừ thuế: Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 01/GTGT ban hành kèm Thông tư 119/2014/TT-BTC
  • Theo phương pháp tính trực tiếp trên doanh thu:Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 04/GTGT ban hành kèm Thông tư 156/2013/NĐ-CP.
  • Theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng (Áp dụng với các doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng, bạc, đá quý): Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 03/GTGT ban hành kèm Thông tư 119/2014/TT-BTC
  • Kê khai theo từng lần phát sinh: Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 05/GTGT ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/NĐ-CP

Lưu ý: Trong trường hợp Doanh nghiệp không phát sinh bất kỳ nghiệp vụ nào trong tháng (không mua vào và cũng không bán ra) thì Doanh nghiệp vẫn phải nộp tờ khai thuế. Trong trường hợp này, trên tờ khai thuế ghi rõ là không phát sinh.

Xử phạt hành vi chậm nộp Tờ khai thuế Giá trị gia tăng

Căn cứ tại Điều 9 Thông tư 166/2013/TT-BTC Quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Theo đó mức phạt cho hành vi chậm nộp báo cáo thuế sẽ từ phạt cảnh cáo tới phạt mức 3.500.000 đồng.

Xử phạt hành vi chậm nộp thuế Giá trị gia tăng

Theo khoản 2 Điều 34 Thông tư 156/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 26/2015/TT-BTC và Thông tư 130/2016/TT-BTC) cách xác định tiền chậm nộp tiền thuế Với khoản tiền thuế nợ phát sinh từ ngày 01/7/2016 cho đến nay thì tiền chậm nộp được tính như sau:

Số tiền phạt = Số tiền thuế nộp chậm x 0,03%  x  Số ngày nộp chậm

Quý Doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề kê khai thuế, xin vui lòng liên hệ Công Ty chúng tôi để được tư vấn về mặt pháp lý cũng như được cung cấp các dịch vụ liên quan để quá trình kinh doanh diễn ra thuận lợi!

Bài viết liên quan

Coppyright © 2021 Design by HPTVietnam. Xe tải nhỏ chở hàng Dịch vụ xe tải chở hàng Xe tải chở thuê Phần mềm quản lí trang trại IOT kết nối vạn vật